Category Archives: baochi

NỖI KHẮC KHOẢI THỜI GIAN VÀ NGÔN NGỮ

GIẢI MÃ THƠ
NỖI KHẮC KHOẢI THỜI GIAN VÀ NGÔN NGỮ
__________________________________________
Đỗ Minh Tuấn

Để ngày xanh rơi vào miệng vực

Trong thơ ca nhân loại, các thi pháp, trường phái và phong cách khác nhau dường như đều bắt đầu từ thái độ cảm nhận của thi nhân với thời gian. Mơn trớn thời gian, chiêm ngưỡng thời gian, đưa đón thời gian, chiêm nghiệm thời gian, lặn sâu vào kẽ nứt của thời gian, tìm lại thời gian đã mất, tách bạch thời gian yêu và thời gian chết, thời gian trần thế và thời gian nghi lễ, thời gian cô độc và thời gian lễ hội … Tất cả những ứng xử khác nhau đó làm nền tảng tâm linh bản thể của những hành xử ngôn từ. Khế Iêm, ngay trong tập thơ đầu của mình đã nói bằng giọng điệu của thời gian. “Thanh Xuân”, tên tập thơ gợi một cảm nhận xanh mát trinh nguyên về thời gian đầu đời, về hương sắc đầu mùa và những cảm nhận tươi non. Nhưng thực tế, cảm nhận về thời gian trong đó đã nhuốm màu mệt mỏi, chán nản, u hoài. Bàng bạc khắp tập thơ là một nỗi ám ảnh về sự trớ trêu của thời gian, sự lệch nhịp với dòng đời và độc chất hư vô của cõi thời – không, nơi nhà thơ luôn bị đong đưa giữa khoảnh khắc và vĩnh cửu.

Cuộc sống trong thơ Khế Iêm chớp nhoáng, mọi thứ lại như luôn trễ hẹn khiến ta phải đợi chờ:

Tin báo rằng mặt trời đã tận
Trái đất là một thoáng lửa trôi

Tin báo

Chờ đợi
Mất hút
Lặng lẽ
Lá rơi trong khoảnh khắc
Ẩn mật
Mộng gõ tối tăm mắt rộn rã
Thoảng đưa hương ngâu thôn đời xa

Tắt

Thời gian bị trục trặc:

Lũ chim chóc đóng băng trong không
Và tháng ngày trôi bồng bềnh trên đất

Thời khắc bị nhuốm độc bởi quá khứ và tương lai, mất đi cái trinh nguyên của hiện tại, bị cái chết của người, của lời, của cảnh vật, ám ảnh như âm binh:

Những người đưa ta từ bao đời trước đến
Những người chôn ta từ bao đời sau về
Âm binh…

Cơn gió nào thổi tan lời nguyện
Con sói về ăn những mảnh trăng
Bên cõi người một hồn nắng tuyệt
Có tiếng người ở giữa lòng chăng

Tin báo

Ngày của thi nhân, ngày của thơ ca là cái ngày xanh rơi vào miệng vực. Và, trong tư cách kẻ làm chứng cho cái chết được báo trước của thời gian, thi nhân luôn hoang mang, bối rối trước cõi hình tướng nhập nhòa, trôi nổi:

Mắt quáng gà
Hư thực nhập nhòa hoài
Bực bội
Quá khứ dở hơi
Mẩu thuốc cháy

Khói

Trải khắp những trang thơ là một cõi đời tàn phế. Dường như cõi thế làm bằng mây, khói, toàn cảnh nước trôi, hoa trôi, mây tan, nắng tàn, nắng lung lay, chim tan tác, khói bất trắc, khói điên, gió chiếc, gió thoảng, gió tất tưởi, đoá hoa khóc, trăng vù xa … Một thế gian rạn vỡ tưởng chừng như làm bằng mây khói. Mây và khói lan tỏa che phủ khắp cõi thơ Khế Iêm gợi ấn tượng về cõi phù vân theo cái nhìn của nhà Phật. Mây và Khói dường như là biểu tượng nơi sâu thẳm nhất của vô thức nhà thơ, bởi nó kết tụ được tất cả cái tính cách gây hấn, ngất ngưởng, bất trắc(khói điên, khói ngất ngưởng, khói bất trắc, khói thiêng),cái vô thường của hình tướng, cái sinh thành và tan rã làm lộ diện thời gian, cái hình hài mật ngôn và cái lặng thinh câm nín của cõi vô ngôn hằng quyến rũ. Không phải ngẫu nhiên, những bài thơ mới nhất của Khế Iêm là sự hòa trộn của ám ảnh lời, ám ảnh thời gian, ở đó, cả lời và thời gian đều bị giam trong dạng khói. Thơ Khế Iêm là một ngục-biếckép theo cấu trúc như vậy, nó là một tù ngục nhốt chung vĩnh cửu và mong manh, lên tiếng và câm nín. Và bao trùm lên tất cả là nỗi khắc khoải về thời gian và ngôn ngữ, được phóng chiếu vào hình tượng khói, là nơi có thể ký thác được cả cái trần thế và thiêng liêng, cái vô hình và hữu hình, cái vô ngôn và mật ngôn, cái hiển hiện và khuất lấp, cái ám ảnh và phôi pha. Khói là hình tượng trọng tâm của cụm hình tượng trong thơ Khế Iêm gồm: Khói, Tro, Mây, Gió, Trăng, Hoa. Trong đó, chỉ có khói và tro là nối với gia đình và đời thực, còn mây, gió, trăng, hoa đều đã bị cổ điển hóa, cách điệu hóa, vũ trụ hóa. Xem cấu trúc của hệ thống hình tượng cũng thấy được tâm thế phiêu diêu của thi nhân rung cảm nhiều hơn với bầu trời, với cõi không, dù vẫn lắt lay kết với cõi thực bằng tro và khói – hai hủy thể của thời gian. Mang cảm thức lênh đênh, thân phận một con đò chốc chốc lại hiện lên trong thơ Khế Iêm dưới tia chớp giác ngộ về cõi thế hư ảo.

Thảng thốt cội rễ lời

Cõi thực tan rã như vậy, còn lại cõi lời của riêng thi nhân cũng trở nên ấp úng. Nhà thơ hoài nghi ngôn ngữ, phỉ báng lời bằng những cảm nhận bi đát: quặn lời, hắt hiu lời, khỏa thân lời, ngôn ngữ điếc, hoài hủy nói. Nhà triết học, thiền sư biết rõ chân tướng của ngôn từ là giả trá và bất lực, ngay cả những ngôn từ thượng thặng như lời kinh cũng chỉ là vật che khuất bản lai diện mục của thế gian:

khom
lưng bất động như thế cho đến khi giọt
chuông chiều kia làm tan đi người và vật
kiến tạo im ắng mà lâu nay bị
che khuất bởi cánh liếp của lời kinh

Níu lại

Lời là chiếc bình phong lộng ngôn cần phải xé đi, là thứ vô tích sự, chẳng làm ai phiền hà gì, chỉ chạy theo đuổi thiên nhiên, khi nào gió lên thì bảo. Nhà thơ ngộ ra một tình huống:

lúc khởi sinh
ngôn từ đã bắt đầu gầy mối hiểm nguy

Con người là kẻ:

cầm lời đi vào chỗ không hề biết trước

Cũng vẫn cái tư tưởng “Khởi thủy là lời” của Kinh Thánh, nhưng trong thơ Khế Iêm lời là mối nguy hiểm đầu tiên. Nếu Hölderlin coi ngôn ngữ là thứ làm chứng cho bản thể con người, thì Khế Iêm coi lời là sự xuyên tạc bản thể. Hơn một lần, nhà thơ để lộ địa chỉ cõi đẹp của mình ở chốn không lời và loay hoay giải thoát khỏi cõi lời, đốt cháy lời,chôn cất chữ để khai quang cái đẹp miên viễn kia:

đốt cháy lời
để mai kia mốt nọ

không truyền giao
không sách sử

nhưng ở bên kia chốn không lời
đóa hoa nở

Lời

đánh một giấc đồng
lòa chôn cất cho xong
mộ phần chữ

Lộng ngôn

Trong lúc chưa đạt tới cõi vô ngôn, chưa tới được đóa hoa trí huệ (Prâna) trong tâm thức thì thái độ sống thường trực của nhà thơ là:

đành chịu trầm mình không nói năng giữa thế giới vắng mặt
(và có mặt)

Trầm mình

đánh
đổi lấy mạng sống bằng cách ngậm họng
lại

cấm
tuyệt đối không được thốt ra một lời nào

Cấm

Im lặng là cõi lời giả dạng vô ngôn, không phải vô ngôn đích thực. Im lặng là lời lẩn trốn, tàng hình, nhức nhối, chưa phải là sự tiêu vong. Nhà thơ hướng tới mật ngôn tới cõi Đẹp vô ngôn:

Thảng thốt
Cội rễ lời
Ta nghe dâu ngàn hoá bụi
Vô ngôn từ thuở nằm nôi

Phiêu khúc

Và có lúc, cõi lời đã như một quá khứ xa, một thuở nào, một hồi ức vang vọng và biến tấu:

Thuở lời, vọng tiếng chim ran
Đò quê, mật sóng giữa đàng lá không

Nhưng thi nhân đâu dễ thoát khỏi cõi lời, thoát khỏi cái bản thể được Chúa trời ban tặng. Trong nỗi khắc khoải nhớ hư vô, khao khát mật ngôn, nhà thơ ngồi ngó xéo vào vết nứt của im lặng để lắng nghe vọng tiếng chim ran,cố bắt lấy tiếng nói của muông thú, rồi học theo kẻ kiến tạo im lặng để diễn kịch lặp đi lặp lại, trong khi đó vẫn cố vớt vát những lời đang hấp hối để đối thoại với bông hoa mới nở – sứ giả của cõi đẹp mới khai sinh:

nói với đóa hoa chớm nở
lời chớm tàn
và phủ định mọi dấu vết
đã có từ lâu trên mặt đất

Dấu vết

Dù biết rằng đóa hoa ấy, cái đẹp đích thực ấy không nở ở cõi lời:

nhưng ở bên kia chốn không lời
đóa hoa nở

Và cái đẹp, tình yêu đã hiện diện lồ lộ ở cõi khác, như một cứu cánh có đủ thẩm quyền bắt nhà thơ tắt tiếng:

Ta tắt tiếng từ bao giờ không biết
Lúc nhìn em lồ lộ ngoài hư không
Lúc ta theo vồ vập màu chiều tà
Và chỉ thấy bụi rơi cùng nắng lạ

Thanh xuân

Cõi đời vô thường, ngôn ngữ vô ích và vô nghĩa. Con người mang lời nói để làm những việc phi lý. Ngôn ngữ bị mất đối tượng, trở nên một công cụ, bị thời gian lố bịch hoá, trở nên loang lổ, nham nhở, nhạt nhòa:

Tôi ngồi lại phân bua cùng nước cuốn

Ưu sầu

Kẻ kiến tạo im lặng

Trong thơ Khế Iêm, con người mang cái ngôn ngữ bất lực, lôi thôi đi giữa một thế giới đầy khói ám, đom đóm, hoàng hôn, trắng lân tinh, đá gầm rú, một thứ địa ngục ghê rợn của Dante để mà sừng sộ, phân bua với thế giới ấy. Và để rùng mình trước những mật ngôn, mật sóng thăm thẳm vây quanh. Trên nền cảnh giới nín câm và bí ẩn đến rùng rợn đó, ngôn từ càng trở nên bé nhỏ, lố lăng và yếu ớt biết bao. Trong thơ Khế Iêm, con người giống như một tử tù đeo tảng đá ngôn từ đi rong bên lề cõi lời, muốn vượt khỏi ngục biếc của cõi lời để hướng tới tự do. Nhưng hắn không thoát nổi thời gian, không thoát nổi cõi lời vì dai dẳng trong linh hồn hắn một năng lực phục sinh của cái thế gian đang tàn tạ:

Hãy ngồi lại nghe hơi thở tàn
Trên đầm sen vạn màu hôn ám

Em không hay một chiều tiễn biệt
Ta thổi tan mất dòng lửa đầu

Trong nôi nắng phôi pha
Dập dồn mở lại
Cánh chiều xưa
Mây nước xưa

Ưu sầu

Thời gian hư ảo, mong manh và tàn lụi, nhưng nó chính là kẻ mai phục trong ký ức để bất kỳ sống lại. Mỗi khoảnh khắc cụ thể của đời ta có thể phôi pha, vụt mất, và con người không thể dùng ngôn ngữ để phân bua với nó, sừng sộ với nó, níu kéo nó lại, nhưng nó vẫn không mất đi vì chỉ cần ta ngồi nghe hơi thở tàn, trên đầm sen vạn màu hôn ám,chỉ cần ta cận kề với cái đẹp ám bụi của đời sống để lắng nghe chút hơi tàn của nó là thời gian đã chết sẽ lại phục sinh như một tài sản vĩnh hằng, một ngục biếc ta muốn thoát mà không thể thoát. Chính cái năng lực kỳ lạ và sức giam hãm của thời gian, sức quyến rũ của cõi đời hư nát, sức níu kéo rủ rê của tình đời nham nhở đã hủy hoại tự do của con người, khiến nó luôn dùng dằng ở biên giới của cõi đời và đạo, cõi lời và lặng im. Thi nhân không thoát được ngục biếc của thời gian và ngôn ngữ, nhưng lại luôn muốn đào thoát khỏi cõi thế, cõi lời, luôn phóng tầm mắt tìm kiếm đóa hoa nở trong cõi không lời, khát khao hòa nhập vào hư không. Vĩnh cửu với hư không và im lặng đã lây nhiễm vào dòng đời làm nát thêm thời gian, làm rã mọi hình tướng và ngôn ngữ. Đó là cái cách Khế Iêm tái tạo một thế giới làm bằng mây, khói, ánh trăng, đom đóm, lân tinhvà những lời nham nhở. Nhà thơ sau khi hủy hoại thời gian, hủy hoại thế giới lại nuối tiếc thời gian và ngôn ngữ đã tàn hơi. Anh ta ký thác những hạt cát khoảnh khắc của mình trong sa mạc, đặt những bóng người, những cuộc tiễn biệt, những chiều nắng, những đầm sen vào vũ trụ vô cùng tận, và bằng cái nhìn triết học đó, anh ta đã đánh đắm từng khoảnh khắc, hủy diệt những hình hài, khống chế ngôn ngữ, đầu độc từng ngày sống. Thơ Khế Iêm là bi kịch, nỗi đau của sự đánh mất thời gian, nhiễm độc hư vô. Chứng viễn thi siêu hình khiến nhà thơ nhìn rõ những gì vô hình ngoài thời gian, còn những gì hữu hình trong thời gian lại trở nên mờ nhạt. Do đó, cái nhìn của nhà thơ là cái nhìn hủy diệt thời gian, ghê sợ thời gian nhưng lại khát khao và luyến tiếc thời gian.

Khế Iêm trong thơ là một thiền sư lưu luyến cùng đời sống, một quả lắc đong đưa giữa cô độc với sẻ chia, giữa đạo sĩ và người tình, giữa hủy diệt và xây dựng, giữa sự vượt thoát, đạp đổ và sự tiếc nuối, nở hoa. Cho nên, Ngục Biếc là cái tên chẳng vô tình, nó là tự thú của một người vừa muốn tự do, vượt thoát mọi ngục tù, vừa ôm giữ cái nhìn mỹ lệ hóa căn nhà ngục mình đang bị giam hãm. Cái nghịch lý sâu thẳm đó dẫn đến những cuộc phiêu lưu mỹ học oái oăm: dấn thân vào ngục tối để tìm tự do, phơi bày quyền lực hủy hoại ngôn ngữ của thời gian để cứu vớt ngôn từ, chối bỏ ngôn ngữ để đi tìm lại ngôn ngữ.

Cái luẩn quẩn hôn phối giữa tự do và nô lệ, giữa lời nói và im lặng, giữa minh triết và mật ngôn ấy, chính là cái vòng xoáy mãnh liệt của tâm thức quanh cái lỗ đen hư vô, nó cuốn tất cả mọi hình tướng, mọi ngôn từ trong cơn xoáy tâm linh sâu thẳm, tạo nên trong nhà thơ một thứ stress thơ ca. Cái stress độc đáo và mãnh liệt ấy là cội nguồn của một thi hứng, một giọng điệu đặc biệt có một không hai: giọng độc thoại, nhấm nhẳng, cà khịa, bất cần pha chút nổi khùng bất chợt.

Khế Iêm không mê đắm trong cuộc luân vũ ngôn ngữ kiểu Bùi Giáng, cũng không tỉnh táo trong trò Rubích ngôn ngữ kiểu Lê Đạt, mà hục hặc cà khịa với ngôn ngữ, loay hoay chối bỏ ngôn ngữ trong tư thế một thiền sư đã mấp mé ở ngưỡng cửa của đạt đạo mà vẫn luyến tiếc cõi tục lụy với đống ngôn từ đã rữa bởi những cảm quan hư vô. Phong cách của Khế Iêm là cái giọng lẩm bẩm của nhà triết học, tự cãi cọ với mình, nói những lời tối tăm không đầu không cuối, làm những động tác kỳ dị dập xóa tư duy, vừa phản ứng với những diễn biến trong thế giới lại vừa mê muội trong dòng suy tưởng của bản thân, vừa nhắc nhở mình những kế hoạch sống, vừa than thở với mình những thất bại, hoang mang, vừa reo vui hồn nhiên như trẻ thơ trước những tia chớp loé lên ở chân trời cõi Đẹp. Một cốt cách nửa người điên, nửa thiền sư.

Nếu như Lê Đạt makeup cho ngôn ngữ, thì Khế Iêm ngược lại luôn bêu riếu ngôn ngữ, trêu chọc ngữ pháp, đùa giỡn cà khịa với thói quen cú pháp: bẻ gẫy từ ngữ, xuống dòng bất chợt, giãn dòng đột xuất ném ra những khoảng trống trêu ngươi như đào những ổ gà trên đường đi của ta. Những câu nhát gừng, lửng lơ, ấp úng, bí hiểm và những khoảng trống bất chợt nằm chắn giữa câu thơ, chính là sự hiện diện của hư vô và lặng im xuyên qua ngôn ngữ. Hư vô không chỉ thẩm thấu vào trong tư duy, cú pháp mà còn kê ngai vàng chễm chệ giữa đường đi của dòng ngôn ngữ để ta phải nhìn nhận nó, vượt qua nó. Hư vô can dự vào tồn tại, lặng im can dự vào lời, hình thức đan xen ấy chính là sự tìm tòi từ cái nhìn triết học về sự cộng sinh giữa hùng biện và câm nín, thực chất là sự lưỡng lự của thi nhân giữa thái độ chối bỏ ngôn ngữ và thái độ tôn vinh ngôn ngữ như một chất liệu thơ được triết học tái sinh. Ngôn ngữ thơ Khế Iêm như nữ tù nhân đăng quang ngôi hoa hậu trong cuộc thi người đẹp trong tù, bước lên nhận vương miện còn đeo những trang sức bằng xiềng xích, vừa nghẹn ngào vì ý thức được thân phận của kẻ mất tự do, vừa kiêu hãnh vì những vinh quang đã có trong Ngục Biếc.

Thơ Khế Iêm luôn có lối nói nhát gừng, cấm cẳn, lẩn thẩn, lảm nhảm pha chút ngơ ngác và cáu bẳn. Dường như, thi pháp của ông luôn tạo ra bức mành mành ngôn ngữ vừa như muốn che đi cái mạch ngầm suy tư, cái vật thiêng đích thực “kiến tạo im lặng”, vừa như để lộ ra cái thấp thoáng của dòng tâm tưởng sau những mảng lời rời rạc, vô nghĩa và bất trắc. Nhà thơ cố tình làm cho ngôn ngữ trở nên lẩm cẩm, ú ớ, như muốn trêu tức ta. Thực chất là thái độ thù ghét ngôn ngữ của nhà triết học đã bộc lộ ra trong lối tu từ cà khịa và cáu bẳn của nhà thơ và cái tâm thế của kẻ sống trong đời mà ngưỡng vọng với vô ngôn, càng bồng bềnh như con đò chở đầy lời nói:

ngậm trắng một đò lời
với gió

Lời trong thơ Khế Iêm cũng y như con đò trôi dạt, xoay đảo, không có đích đến, đôi khi mắc cạn trong những khúc quanh lởm chởm của từ ngữ và hang hốc bế tắc. Thơ Khế Iêm phơi ra những ổ gà ngôn ngữ, những hang hốc tư duy, những què quặt ngữ pháp cũng giống như trong những khuôn hình của phim Xích Lô mà đạo diễn Trần Anh Hùng cố tình phơi ra những dây dợ lằng nhằng cột điện, rào sắt lởm chởm mà thường các nhà quay phim khác tránh né. Nó tạo dựng một hình ảnh nham nhở, rách rưới, gân guốc. Ngôn ngữ trong thơ Khế Iêm trở thành chất liệu tạo hình, nhà thơ đục đẽo chữ, bẻ gẫy câu, để tạo nên một thứ tượng gỗ của tâm thế, của Nàng thơ, cái chất liệu và cái dáng vẻ tranh chấp nhau trong từng bài thơ. Ngôn ngữ là một thứ chất liệu chết, như mẩu thạch cao rơi ra dưới tay người tạc tượng:

(và không ai nói với ai)
về con âm mở hổng cửa kéo
từng con chữ rơi

ra môi và răng

Rơi ra

Tiếng nói thực chất là một xác chết:

Tưởng rằng tiếng nói như xác ve
Cánh chim chết giấc trên non đá
Có biết trầm luân. Chỗ cát xoá

Bến sương

Từ ngôn ngữ tự trào đến ngôn ngữ tự hủy

Phần đầu tập Dấu Quê, ngôn ngữ mới chỉ bị hoài nghi, trêu chọc và giễu cợt. Những ý tưởng Thiền hiện diện qua một ngôn ngữ còn toàn vẹn ngữ pháp, lật tẩy những cảm hứng gắn liền với một “Vũ trụ ngôn ngữ đặc trị” (Artaud). Đó là thứ thi pháp của ngôn ngữ cổ điển tự giễu mình, một thứ ngữ pháp đầy mặc cảm. Đến cuối tập “Dấu Quê”, với Ngục Biếc,ngôn ngữ thơ Khế Iêm đã nhảy vọt từ tư cách vật tải ý tưởng Thiền tới tư cách vật mang tâm thức Thiền. Đó là cú nhảy tự vẫn của ngôn ngữ đặc trị, nó tự hủy một cách từ tốn, nghiêm trang, đầy thi vị. Từ ngôn ngữ tự trào đến ngôn ngữ tự hủy là một bước nhảy vọt về thi pháp, nhờ đó nhà thơ giã từ vũ trụ ngôn ngữ cổ điển, ngôn ngữ đặc trị – với bộ complet ngữ pháp cố tình gài lệch khuy áo cho xộc xệch – để đạt tới cõi vô ngôn, cõi tĩnh mịch của Thiền sư, cõi rợn ngợp, chói chang ánh sáng của minh triết. Trong Ngục Biếc,cũng như trong một vài bài thơ có dạng thức kịch của Khế Iêm, ta thấy có một hiệu ứng thơ ca đặc biệt: nhân vật nói mà như không nói, nhiều khi nói để mà không nói, đối thoại mà như độc thoại, lên tiếng càng nhiều thì càng trở nên câm nín. Mỗi câu nói, mỗi lời hỏi đều như lìa khỏi nhau, như cô đơn tuyệt đối, và chất thơ đặc biệt toát ra từ cái bơ vơ, bối rối, hoang mang, ngớ ngẩn, vu vơ chẳng đâu vào đâu ấy của ngôn ngữ và kẻ mang ngôn ngữ. Cái không đâu vào đâu của thứ ngôn ngữ nửa đối thoại nửa độc thoại trong Ngục Biếc,có một sắc thái thi vị đặc biệt vừa nhuốm màu hiện sinh, phi lý, vừa có cái run rẩy ngơ ngác của thân phận. Những bài thơ kịch như dạng Ngục Biếc của Khế Iêm giống như mớ ngôn ngữ hỗn độn, đang chới với cố chống lại sự lìa tan, cố bám vào những bờ mong manh của trật tự ngữ pháp cổ điển, của khát vọng đối thoại, giao lưu. Và chất thơ toát lên giống như tiếng rền rỉ, nhớn nhác, rối ren của kiếp người, của chúng sinh. Càng nói càng không hiểu nhau, càng ngờ vực nhau – thảm cảnh ấy của nhân loại được Khế Iêm tái hiện sinh động trong Ngục Biếc,gợi lên một thảm trạng đầy lo âu và cô đơn. Có thể nói, Ngục Biếc,là chặng thứ hai của quá trình ngôn ngữ tự hủy trong thơ Khế Iêm. Ngôn ngữ tự hủy cũng chính là bản thể tự hủy.

Tất cả cái ý nghĩa cổ điển, cái sắc thái thường hằng của ngôn ngữ đã trở nên đứt gẫy, và sự hiện diện của nó trong những chuỗi ký tự còn rên rỉ âm thanh kia chỉ là sự đùa cợt của thời gian, và ngôn ngữ cũng chỉ còn là một con rối lăng xăng. Tính hài của giai đoạn trước đã chuyển thành tính bi, sự đùa cợt ngôn ngữ đã biến thành sự lưu đày ngôn ngữ, vào nơi chốn vừa tự do vừa phi lịch sử. Đến giai đoạn thứ ba với những bài thơ “T.V. Ký”, “Bài Thơ Đi Tìm Bài Thơ”, “Đọc Chinh Phụ Ngâm”… thì ngôn ngữ đã trở nên những xác chết dưới chân thời gian. Nhìn vào bài thơ, ta thấy hiện lên lù lù dấu ấn của thời gian: ở “T.V Ký” là quyền uy của khoảnh khắc, ở “Bài Thơ Đi Tìm Bài Thơ” là sự ú tim giữa khoảnh khắc và vĩnh cửu, ở “Đọc Chinh Phụ Ngâm” là quyền uy của vĩnh cửu. Ngôn ngữ đã chết, nó trở thành một thành viên của ký ức, một thì quá khứ của thơ ca. Thơ Khế Iêm ở giai đoạn thứ ba chính là đám tang của ngôn ngữ, ở đó, những mẩu ngữ pháp cổ điển còn hiện diện chỉ là những mảnh hài cốt đầy bi thương, chứng tích của lịch sử. Những mệnh đề mang nghĩa rời rạc chỉ là sự dãy giụa vô vọng của ngôn ngữ trên đường rơi vào vực thẳm lãng quên.

Vậy là, hành trình thơ Khế Iêm qua ba giai đoạn: từ sự đùa giỡn của khoảnh khắc với ngôn ngữ giai đoạn đầu, qua sự xâm hại của vĩnh cửu vào ngôn ngữ giai đoạn “Ngục biếc”, tới sự toàn thắng của thời gian với ngôn ngữ ở giai đoạn những bài thơ có tính tạo hình hiện nay – đó chính là hành trình nằm trong logic tăng kiến của tâm thức thiền và thi pháp hậu hiện đại với cảm hứng suy tư có tính thời đại về những vấn đề ngôn ngữ trải dài trong thế kỷ, qua những chiêm nghiệm suy tưởng của Heidegger, Hölderlin, Wittgenstein và Lacan. Đó là dòng thi hứng chảy xiết giữa đôi bờ ngôn ngữ và thời gian, khoảnh khắc và vĩnh cửu, trật tự và hỗn độn, lịch sử và tự do, suy lý và minh triết. Đó cũng là những đoá hoa nở từ cái bắt tay của hiện tượng luận và thiền học, tôn giáo và triết học, văn hoá phương Đông và văn hoá Phương Tây. Nếu với phương Tây “khởi thủy là Lời, bản thể của Chúa với vĩnh cửu và hư vô gói trọn trong lời Chúa, thì với phương Đông nỗi ám ảnh thời gian là thẳm sâu và thường trực. Và như vậy, hành trình thơ Khế Iêm với sự đan xen, luân phiên và chuyển hoá của những khắc khoải về thời gian và ngôn ngữ cũng chính là hành trình về nguồn tâm linh. Quá trình thi sỹ tự vẫy vùng giải thoát khỏi “ngục biếc” của ngôn ngữ cũng là quá trình tìm kiếm và tái tạo những “dấu quê”.

Nếu không nhìn nhận thơ Khế Iêm trong cả hành trình, thì không thể nhìn ra cái định hướng về nguồn đó, vì, nếu xét về hình thức thuần túy thì những bài thơ có tính hội họa đã có nhiều trong thơ hậu hiện đại Mỹ và phương Tây. Xem xét cái logic tương tác giữa ám ảnh thời gian và ngôn ngữ trong thơ Khế Iêm chính là giải mã các biến thiên về cảm thức và thi pháp. Theo logic đó, ta có thể tiên tri về một chặng tới của thơ anh. Phải chăng, đó sẽ là chặng phục sinh của ngôn ngữ trong một cảm hứng “hồi xuân” như bất kỳ ai đã qua tuổi “thanh xuân”?

Chúng ta chờ đợi sự kiểm chứng với logic ấy trong những sáng tác mới của Khế Iêm.

Đỗ Minh Tuấn

Trích “THƠ KHÁC” http://thotanhinhthuc.org/